Những ngày tháng cô đơn lại đeo bám tôi như tri kỉ.
Tôi vẫn quen cô đơn, nhưng theo cái cách bị đá đít ra khỏi cuộc đời Phương như thế thì thực sự khó chấp nhận. Cảm giác trống vắng, thiếu thốn, nhiều khi thấy như tim thắt lại mỗi khi nhớ về em, nhớ về những việc giản đơn hai đứa vẫn làm với nhau.
Tôi vẫn không thể chấp nhận được cái lí do mà Phương đưa ra, nên tôi thấy khó thở và tức nghẹn trong lồng ngực. Chưa hôm nào từ sau buổi nói chuyện đó mà tôi ngủ ngon. Tại sao một người âm thầm bên cạnh tôi gần 3 năm trời không đòi hỏi bất cứ điều gì, như sinh ra để giành cho nhau lại có thể buông tay tôi dễ ẹc với cái lí do trời ơi ”em không còn niềm tin”!
Trong thâm tâm, tôi vẫn tin rằng em có lí do gì đó cho việc làm này. Đó có thể là sức ép gia đình, thiếu đi một người luôn bên cạnh em mỗi sớm tối…. nhưng, không phủ nhận là có đôi lúc tôi nghĩ em đã thay đổi, và tôi cười khẩy trong bụng khi tự mình chụp lên đầu em cái mác phản bội. Để rồi sau mỗi đêm vật vã, tôi lại tỉnh dậy và lại tự chửi rủa mình vì đã nghi ngờ em.
Sang bên này, càng xa em và ở trong một môi trường bó hẹp, nó lại là thành thuốc thử đối với tôi, khiến tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện yêu một ai khác. Nếu như lúc ở nhà tôi có phân vân giữa chia tay hay tiếp tục thì khi sang đây tuyệt nhiên trong đầu tôi chưa một lần xuất hiện ý nghĩ sẽ chia tay em. Thế mà chuyện không ai ngờ, em, tưởng như là một người không thể thay đổi thì lại là người đưa ra lời chia tay trước. Thế nhưng chẳng hiểu sao lúc đó tôi lại không dám cất tiếng mà hỏi em cho rõ lí do! Có lẽ đó là con người mình. Khi người ta đã có một quyết định, nghĩa là đã phải suy nghĩ rất kĩ rồi, tôi không muốn vặn vẹo hay níu kéo nhiều, huống hồ đây lại là Phương – người mà tôi tin còn hơn bản thân mình.
Ở đây, tôi vẫn phải nấu cơm phụ các anh chị. Tôi với Trang không đi chợ như Phương vì chợ chỗ tôi họp theo phiên 5 ngày một lần. Chúng tôi đi siêu thị, người xách giỏ, người chọn đồ. Về nhà, tôi lại lẽo đẽo phụ Trang nấu nướng rồi rửa bát. Những công việc đó bây giờ đối với tôi đúc kết lại trong một chữ: vô cảm.
Tôi nhớ những giọt mồ hồi lấm tấm của Phương, nhớ cảnh em nhõng nhẽo đòi tôi phải “thơm” mỗi khi nấu ăn, nhớ những buổi trưa nắng xách làn đi chợ đến trĩu cả tay…. nhớ nhiều thứ lắm. Mỗi lúc như thế tôi lại bần thần đứng như trời trồng giữa siêu thị, nhìn Trang mà cứ ngỡ là Phương đang nhí nhảnh chạy nhảy trong siêu thị, lấy đủ thứ chụp lên đầu tôi để em chụp ảnh.
Thôi. Qua rồi. Qua thật rồi.
Tôi cũng định không viết nhật kí nữa – việc mà tôi chưa bao giờ bỏ trong gần 15 năm qua. Biết viết cái gì nữa bây giờ? Viết là tôi đã không còn em nữa à? Giờ tôi lại sợ nó, sợ nhìn thấy quyển nhật kí trong đấy có cả chữ tôi lẫn chữ em, sợ đọc lại mấy cái cảnh hai đứa đi chơi, đi ăn….
“Này thì nhật kí!” – tôi quẳng nó vào sọt rác rồi chui lên giường ngủ. Để rồi nửa đêm lại mò dậy lại nhặt lên rồi đặt ngay ngắn vào trong vali, khóa lại. Tự nhủ với mình rằng từ giờ không có nhật kí nhật kiếc gì nữa! Vớ vẩn. Đã đoạn tuyệt là đoạn tuyệt luôn, không nhớ nhung gì nữa. Càng đọc càng viết thì chỉ càng làm mình yếu đuối mà thôi!
Nhưng rồi tôi lại nghĩ tội gì phải vậy? Không có người này thì sẽ có người khác. Cuộc đời tôi mới có vài chục năm, yêu có ba người mà bao nhiêu thứ đủ cả, hỉ, nộ, ái, ố, đắng cay mặn ngọt. Thôi thì chỉ biết trách số mình nó hẩm hiu chư biết làm sao bây giờ. Tôi vẫn cứ phải sống, phải học hành. Và chẳng có lí do gì để tôi bỏ đi thói quen lưu giữ lại từng ngày của mình. Nhưng thực sự từ lúc sang đây tôi cũng chẳng có gì để mà viết vào nhật kí mấy, chẳng lẽ viết hôm nay ăn gì? Mấy giờ?…
Tôi sẽ giữ Phương như một kí ức thật sâu trong tim mình. Mãi trong cuộc đời này sẽ không thể có ai hiểu em bằng tôi, không ai hi sinh cho tôi nhiều như em. Tôi chúc em sẽ luôn may mắn trên cuộc đời, sẽ có một người bên em thực sự để yêu em và em yêu. Đã có duyên nhưng không có phận. Ngày về, tôi sẽ gặp em để nói chuyện và hi vọng em sẽ cho tôi một lời giải thích thật thỏa đáng. Tôi đâu có cam tâm để mất như thế, tôi chỉ cảm thấy mình bất lực thôi. Cay đắng thật khi cách xa nhau thế này, nói với làm chẳng đi đôi được với nhau.
Tôi không để ai biết chuyện của mình, trừ Trang.
Không hiểu sao tôi lại có thể chia sẻ chuyện đó với em. Còn mọi người, trong một tháng tiếp xúc họ chưa đủ để hiểu tôi là con người như thế nào, vậy nên khi thấy tôi ít nói, trầm ngâm, họ mặc định đó là tính cách của tôi rồi.
Trang đã từng yêu 2 người, một người cùng quê và một người cùng cơ quan. Cả 2 cuộc tình của Trang đều không đến đâu. Người ở quê thì cảm thấy không xứng với em nữa dù Trang rất yêu. Người ở cơ quan thì chia tay sau một tháng vì anh ta thấy hết cảm xúc với em. “Đồng bệnh tương lân”, chúng tôi tự tìm đến với nhau, để tìm một người chia sẻ.
Chúng tôi thường đi dạo cùng nhau lúc rỗi rãi. Phòng thí nghiệm của Trang cũng ngay gần nên chúng tôi thường đi về cùng nhau. Dù ở đây an ninh rất tốt nhưng Trang là con gái, lại hay làm về khuya nên hôm nào tôi cũng chờ em về hoặc em phải ngồi chờ tôi để về cùng. Mỗi lần như thế chúng tôi lại đi dọc cái bờ sông thanh vắng, lặng thinh chẳng ai nói với ai lời nào dù ban ngày gặp nhau thì đủ thứ chuyện để nói. Những lúc như vậy tôi mới thấm thía cái gì là nỗi cô đơn mà chỉ trong mỗi con người mới tự hiểu được. Nó chầm chậm, chầm chậm như một lưỡi dao lam cứa vào lòng mình, rỉ ít máu thôi nhưng chưa và sẽ không bao giờ ngừng chảy.
Tháng 4. Bây giờ bên này đang là chớm xuân, trời bắt đầu ấm áp, hoa nở trắng hai bên đường, hoa nở trải dài miết mải vàng óng hai bờ sông, rất đẹp. Có điều là nó chẳng quan tâm gì đến tâm trạng của thôi cả, đáng buồn thật. Chiều cuối tuần, tôi vẫn đạp xe ven sông để tự thưởng cho mình cái ít không khí đất trời đang vào xuân và rất đỗi đẹp đẽ ấy, nhưng chẳng ăn thua, vì tâm hồn tôi cứ héo úa như là hoa nhúng nước.
Trường tôi có vườn cây hoa anh đào rất đẹp và rộng. Năm nào cũng có lễ hội hoa kéo dài trong vài ngày đúng vào lúc mà hoa nở đẹp nhất. Mấy anh chị em lại cùng dắt díu nhau đến ngồi dưới những tán cây anh đào thật to, ăn những thứ đồ ăn đặc trưng của Hàn quốc và uống rượu gạo. Rượu gạo này có mùi cũng giống như là bã rượu nếp ở Việt nam vậy, màu đục như sữa, dịu nhẹ và thích hợp cho các chị em.
Như thường lệ, tôi lại đi cùng với Trang.
Từ lúc tôi sang đây dường như Trang tìm được một người đồng cảm nên cứ thế hai đứa mặc nhiên đi với nhau. Trang giống như một người bạn thân, tìm là có, giống như Phương của tôi ngày xưa. À, giờ thì không còn là của tôi nữa rồi.
Chúng tôi đi với nhau nhiều đến mức mọi người ở đây đã ngay lập tức gán ghép thành một đôi trong những ánh mắt khó chịu của những “tình địch” – họ có thể gọi tôi là như vậy còn tôi thì không, đơn giản vì tôi không quan tâm đến Trang với tư cách một người đang “cầm cưa” như họ.
– Uống đi kìa Cường – Trang chỉ vào cốc rượu gạo.
– Trang cứ uống đi, tớ không thích rượu này, nó cứ nhàn nhạt
– Thế có uống Vodka không? Tết tớ mang sang mấy chai đấy.
– Con gái mà cũng mang Vodka sang á?
– Chia cho mọi người mà. Chứ tớ thì uống gì. À, mà thỉnh thoảng cũng có.
– Uhm, hiểu – tôi gật gù.
– Hiểu gì? “Chỉ anh yêu em” à?
– Gì đấy?
– Bên này mọi người vẫn trêu nhau thế mà.
– Mấy anh kia anh ấy tạt acid thì không có đường mà chạy đâu. Tớ vừa chân ướt chân ráo sang đây.
– Lab bạn thiếu gì acid? Sợ à?
– Sợ chứ sao không. Tránh voi là tốt nhất.
Nhìn sang thấy mấy anh đúng là đang lườm tôi thật. Gọi lườm thì hơi quá vì mấy anh em ở đây đều rất thân thiện với nhau, chẳng qua là vì tôi không may lại chạm vào chỗ không nên chạm thì họ mới thỉnh thoảng ngó qua chút thôi. Tranh thủ ngồi với Trang tôi cũng thu thập được nhiều thông tin hay ra phết, dù rằng chỉ là để cho vui thôi chứ chẳng có mục đích gì.
– Trong mấy anh kia thì ai tấn công Trang ghê nhất?
– Làm gì có ai?
– Sao phải chối làm gì? Nhìn là biết mà. Nhìn sơ qua cũng thấy 3 anh rồi.
– Anh nào kể nghe?
– Anh Tuấn, anh Huy, anh Thái.
– Ờ,uhmm, cũng tinh ghê đấy.
– Thế mấy anh ấy tặng quà gì chưa? Cho cầm tay chưa?
– Bị dở hơi à? Cầm tay cầm chân gì. Vớ vẩn.
– Thế sao không thích mấy anh ấy?
– Ai biết được là sao! Không thích thì không thích thôi.
Mấy cái thứ chuyện linh tinh như thế nó cũng làm tôi vui vẻ lên chút ít, quên đi cái thực tại đáng buồn của mình. Chứ cả buổi cứ ngồi ủ ê, uống rượu và lặng thinh giữa lúc mọi người đang vui vẻ ca hát, nhảy múa và thưởng thức hoa anh đào thì cũng chán ngán thật.
Ngồi một chốc Trang quay sang tôi nói khẽ:
– Đi dạo tí đi, ngồi đây mãi chán quá
– Ừ, đi.
Trên đường đi chúng tôi lại quay về mấy chuyện tình cảm của bản thân. Loanh quanh chỉ có vậy thôi mà. Những người trẻ như chúng tôi, có nói chuyện gì đi chăng nữa thì cuối cùng cũng lại vẫn quay trở về chuyện yêu đương của mình. Khi người ta trẻ, người ta dễ trải lòng hơn.
– Sao rồi? Mấy hôm nay còn nhắn tin nữa không?
– Thôi rồi mà. Tớ không muốn làm phiền Phương nữa.
– Uhm. Nếu còn yêu thì Cường thử níu kéo một lần nữa đi. Con gái mà, đau phải lúc nào lời nói cũng đi đôi với suy nghĩ.
– Tớ hiểu Phương rõ lắm. Tớ cũng không muốn nhắc đến nữa… Có lẽ tớ sẽ nói chuyện khi gặp trực tiếp.
– …
– Vậy thì đừng buồn, đừng ủ rũ nữa. Sang đây kì đầu tiên quan trọng mà cứ chểnh mảng là không chừng về nước luôn đó.
– Tớ vẫn học mà, chẳng qua không vào đầu mấy thôi. Hì.
– Mấy tuần nữa có lễ hội hoa Cúc đó, mình đi chơi đi.
– Hoa cúc thì có gì mà chơi? Toàn để cắm bàn thờ đi chơi làm gì?
– Vớ vẩn. Bên này có cả một ven sông trồng đủ loại hoa Cúc đẹp lắm. Đi thì để tớ book vé tàu luôn cho.
– Ừ thì đi – chứ ở nhà tôi cũng có làm gì đâu, quanh quẩn với cái giường.
…
Rồi ngày hội hoa cũng đến. Tôi thì chẳng có tí hứng thú nào, nhưng Trang với mấy anh chị cứ cố kéo đi, vả lại vé tàu cũng đã book rồi bây giờ hoàn lại vé là mất tiền, tiếc, thế là lại đi.
Trang hôm nay diện một bộ váy vàng chóe chẳng hợp mốt gì cả. Em là người rất tinh tế trong giao tiếp và ăn uống, nhưng đáng tiếc lại không có mắt thẩm mĩ. Tôi nhìn em đi đi lại lại, xúng xính với váy vàng chóe ấy mà không nhịn được cười, thế là tôi bị gọi ra kiểm điểm.
– Cười cái gì?
– Không.
– Vô duyên. Thấy không khen người ta một câu mà cứ cười đểu.
– Cười thật chứ cười đểu đâu.
– Thôi nói đi, thấy sao?
– Hôm nay đi xa, lại đi lại nhiều mà bạn mặc váy thì hơi bất tiện đấy. Thêm nữa là màu này nổi quá, nhìn đau mắt.
Trang nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu, chắc nghĩ tại sao lại dám đưa ra lời nhận xét sỗ sàng như thế với một người phụ nữ? Nhưng tôi kệ, tính thế rồi thì biết sửa làm sao. Tưởng chỉ nói chơi câu truyện, vậy mà Trang cũng hì hụi chạy về nhà thay quần áo thật. Lần này thì nhìn khác hẳn, quần bò, áo thun khỏe khoắn, giày thể thao. Ít nhất thì Trang cũng hợp với đồ thể thao hơn là mấy cái đầm thướt tha. Tiến lại gần tôi, Trang lườm lườm:
– Sao? Được chưa? Ông già.
– Đẹp đấy.
– Mà chẳng hiểu sao tớ lại phải thay quần áo theo ý bạn nhỉ?
– Đấy là theo con mắt thẩm mĩ chứ có phải theo tớ đâu.
– Lẻo lưỡi. Thôi được rồi, cho bạn làm stylist của tớ.
– Thôi chẳng dám.
Đang đứng nói chuyện với Trang và mọi người để chờ tập hợp đông đủ lên xe bus, tôi nhận được điện thoại từ Việt nam. Chẳng hiểu sao tự nhiên trống ngực đập liên hồi. Tôi quen gọi điện về nhà hơn là nhận điện thoại từ Việt nam gọi qua. Chắc chắn phải có chuyện gì nghiêm trọng, vì điện thoại này không phải số liên lạc thường xuyên. “0084******** is calling” – số của thằng Dũng
– Tao nghe mày ơi
– Cường à, bố cái Phương mất rồi….ung thư. Tao vừa ở viện về.
…
Tôi bàng hoàng, mặt biến sắc, vô thức buông cái điện thoại ra rồi ngây người đi, cũng chẳng để ý xem thằng Dũng nó nói gì tiếp nữa. Quá bất ngờ. Vừa mới vài tháng trước còn ngồi uống rượu với bác mà giờ người đã không còn nữa.
Lấy điện thoại ra tôi gọi điện ngay cho em. Đây là lần đầu tiên tôi gọi điện cho em từ sau hôm chia tay. Mới có gần một tháng mà sao nó dài đằng đẵng.
Từng tiếng chuông kéo dài làm như bất tận làm tôi thấp thỏm, chỉ sợ rằng em lại chẳng thèm bắt máy của tôi.
– Alo
– Em à? Anh đây.
– Anh ơi. Bố mất rồi………..
– Ừ, anh vừa nghe Dũng nói. Mạnh mẽ lên em nhé!
– Anh. Anh về đây với em đi…
– Ừ, anh sẽ về với em nhé. Vững tâm lên nhé em.
– Vâng.
– Thôi, em cố gắng làm chỗ dựa cho mẹ. Giờ bố đi rồi, bố cũng không muốn người ở lại như thế đâu.
– Em biết rồi.
– Thu xếp được công việc xong anh sẽ về với em nhé!
– Vâng…..- Phương òa khóc trong điện thoại.
Tôi cũng không kìm được nước mắt nữa. Mọi thứ đến không phải đột ngột nhưng nó đau đớn quá, nhất là đối với một cô gái vừa mới bước ra đời, vừa rời khỏi vòng tay bao bọc của cha mẹ như Phương. Từ bé đến lớn quanh quẩn trong cuộc đời em chỉ có bố,mẹ, vài người bạn và sau này là tôi. Giờ đây mất đi một người thân như vậy bảo sao em không suy sụp cho được.
Qua cuộc nói chuyện vừa rồi tôi hiểu em mỏng manh và yếu đuối thế nào. Trong những lúc như vậy tôi biết mình vẫn là người mà em muốn có ở bên cạnh. Dù không còn là gì của nhau đi chăng nữa nhưng tôi vẫn luôn tin rằng tôi vẫn là người yêu em nhất và được em yêu.
Tôi không đi xem hoa với mọi người nữa theo kế hoạch. Tôi chỉ nói cho Trang biết lí do rồi quay về phòng. Chuyện cắt ngang kế hoạch đã được lên trước là việc chưa từng có của tôi, nhưng với cái tâm trạng thế này thì tôi thà ở nhà còn hơn là vác bộ mặt đưa đám đi chơi hoa, phá hỏng hết không khí của mọi người.
Tôi về nhà và viết cho giáo sư một cái mail ngắn gọn, nội dung là gia đình có việc gấp và xin phép về thăm nhà vài ngày. Tôi cũng liên lạc ngay với bên bán vé máy bay để đặt vé đi luôn trong ngày. Cũng may là vé vào đợt này lại rẻ vì sinh viên đã sang nhập học hết rồi. Nhưng trái với hy vọng của tôi, ông giáo sư không cho tôi về. Lí do ông ấy đưa ra là tôi vừa sang được một thời gian ngắn, nếu như không phải là một việc gì đó liên quan đến bố mẹ thì đừng nói đến chuyện về. Tôi thì không thể vẽ ra một cái lí do rằng bố mẹ mình bị làm sao để xin về được. Nếu như hôm nay là thứ 7 thì chắc chắn tôi sẽ bỏ việc để về và về trong 2 ngày, Chủ nhật quay lại. Nhưng khốn nạn là hôm nay lại là Chủ nhật, và tôi không thể đi về trong vòng 1 ngày như đi chơi Hà nội được. Ngày mai là thứ 2 mà giáo sư không thấy tôi lên phòng thí nghiệm thì chỉ có nước là xách valy về nước luôn. Giáo sư tôi là một “lão Phật gia” đúng nghĩa, như một vị vua con ở trong toàn bộ phòng thí nghiệm. Bao nhiêu doctor và sinh viên đều sợ ông như sợ cọp, chưa ai dám trái lời. Cũng có một vài sinh viên dại dột làm trái ý ông và kết cục thì đều là: về nước.
Tôi biết mình không có lựa chọn. Vì cái sự nghiệp của mình mà tôi lại phải cắn răng ở lại và không về được với em.
Tôi đau đớn và suy sụp không kém những gì Phương đang phải gánh chịu. Một cảm giác bất lực và uất nghẹn ở trong người. Tôi nguyền rủa, tôi chửi bới, gào thét, đập phá. Tôi khóc như một đứa trẻ con ở trong phòng.
Gọi điện lại cho thằng Dũng, chứ tôi không dám gọi cho em vì tôi biết giờ này Phương đang phải chạy đi chạy lại lo việc tang lễ.
– Tao đây mày ơi
– Tao không xin về được mày ạ. Mẹ kiếp lão giáo sư khốn nạn!
– Ừ. Thôi bình tĩnh đi mày. Mày còn phải ở với ông ấy dài mà.
– Mày giúp đỡ Phương nhá. Chứ giờ tao chẳng còn cách nào để về nữa rồi.
– Rồi, yên tâm đi. Tao bảo nó cho. Mày đừng gọi cho nó nữa không nó lại bù lu bù loa lên.
Cái tội cũng bắt đầu từ cái bản tính thật thà của tôi. Câu đầu tiên khi giáo gọi điện cho tôi và hỏi có liên quan đến bố mẹ hay không thì tôi đã trót nói là không rồi, vậy bây giờ đâu còn lí do nào quan trọng hơn thế để được ông ấy cho phép về nhà. Để giờ tôi phải hối hận thế này, ngồi đây mà tim gan như lửa đốt. Biết là em đang cần mình lắm mà giờ phải bó gối ngồi một mình ở cái phòng trọ đáng gét này.
Cả một ngày Chủ nhật tôi chìm trong rượu. Ngủ dậy lại uống tiếp. Uống- ăn mỳ tôm- ngủ – vòng tuần hoàn ấy cứ lặp lại vài lần. Trong cơn say mộng mị tôi lại càng thấy nhớ em da diết và hình ảnh em khóc lóc vật vã cứ ghim chặt trong đầu. Tôi muốn vứt bỏ hết, bất chấp tất cả để quay về với em giờ này. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng vẫn không làm được. Tôi hèn nhát – đúng, nhưng nếu như ai đó ở trong tình cảnh này của tôi thì sẽ hiểu được việc phải đứng ở giữa lành răn được-mất nó nghiệt ngã thế nào. Với một thằng SV nước ngoài như tôi thì đâu có nghĩa lý gì với một ông giáo sư quyền uy đầu ngành của Hàn quốc, chúng tôi đang cần ông ta chứ ông đâu có cần lũ sinh viên tép riu như chúng tôi.
Mấy ngày đó tôi cũng không liên lạc gì với em nữa để mọi chuyện lắng xuống. Tôi biết em cần một chỗ dựa nhưng giờ không có rồi thì tốt nhất là đừng gợi nhớ thêm về nó để em càng phải suy nghĩ. Thà là không nhắc đến cho càng đỡ buồn.
Một tuần sau, chủ nhật, tôi gọi điện cho em nhưng em không bắt máy. Tôi nhắn tin cho em:
– Cố gắng lên em nhé! Gắng sống vì mẹ nữa.
Một lúc khá lâu sau tôi mới nhận được tin nhắn của em. Một tin nhắn khách sáo.
– Cảm ơn anh nhé! Chúc anh học tập tốt và sớm vinh quy bái tổ.
Biết là em đang đâm thọc mà tôi cũng chẳng biết phải làm thế nào, chẳng lẽ mặt dày nhắn tin tiếp. Tôi dừng ở đó. Dù sao thì tôi cũng không phải là em, không phải ở trong tình cảnh đó để mà hiểu được em đang nghĩ gì và cần tôi đến thế nào, để rồi lại thất vọng khi tôi hứa mà không về.
Qua thằng Dũng tôi biết mọi việc trong nhà em đều có cô dì chú bác lo giúp đỡ rất nhiều. Huy – tất nhiên là người hăng hái nhất và cũng là trung tâm của sự chú ý. Huy đẹp trai, đĩnh đạc, có học, và rất quan tâm đến mọi người, lại lo lắng việc của gia đình em như việc của mình, lẽ tất nhiên mọi người sẽ ngầm hiểu đó sẽ là con cháu trong nhà họ. Chuyện này tôi đã lường trước được, nhưng cũng chẳng để làm gì, vì đơn giản giờ tôi có còn là người yêu của Phương nữa đâu mà ghen với tuông. Thằng dở hơi.
Tôi vẫn thường xuyên chat với thằng Dũng, nhưng cũng bẵng đi khá lâu sau thời điểm đó. Cho đến tận tháng 6.
– Dạo này thế nào rồi mày?
– Tao bình thường, sắp thi. Vợ con thế nào?
– Hỏi làm gì nữa! Chị tao nhìn thấy nó đang ôm thằng chó nào ngoài đường về nhà bà ấy làm ầm lên.
– Lại thế nữa? Có chắc không? Sao không nói với tao?
– Chắc rồi, nó nhận rồi mà. Hôm qua nhà nó cũng sang nhà tao trả lại lễ rồi.
– Hình như mấy bọn đấy nó không biết giới hạn thế nào là đủ?
– Ờ, nó chỉ thích mấy thằng đểu thôi. Mấy thằng thầy giáo dùi đục mắm cáy như tao với mày nó mau chán.
– Thôi đừng buồn mày à. Chắc mày chơi với tao nên bị lây cái “đen” đấy – tôi trêu nó
– Ừ. Mà muốn nghe chuyện cái Phương không?
– Mày còn phải hỏi à?
– Nó thỉnh thoảng đi cafe với thằng Huy… nhưng tao hỏi thì nó bảo là chẳng có gì cả.
– Uhmm
– Mày không về nhanh là mất đấy, mưa dầm thấm lâu.
– Tao về thế nào được hả mày? May ra Tết mới về được. Mà cũng còn là gì của nhau đâu.
– Tao lạ gì bọn mày. Nhưng nó là con gái, không có mày bên cạnh thì sớm muộn gì cũng yêu thằng kia thôi. Mày nghĩ 3 năm nó yêu mày là to à?
– Kệ thôi mày ạ. Giờ không là gì thì nói chuyện với nhau ra sao? Thôi để kệ đi, còn yêu nhau thì sẽ quay về.
– Ờ, mày cứ làm thơ với viết nhạc đi. Ngồi đấy mà mơ mộng.
Nghĩ về thằng Dũng mà tôi thấy chán ngán cái chữ tình trong đời này. Chơi với nó từ lâu tôi thừa biết nó là thằng như thế nào. Một thằng thầy giáo cù mì cục mịch đúng nghĩa, từ bé đến lớn chỉ có ruộng đồng, lợn gà, đi dạy về là ngoan ngoãn ở nhà với thầy u. Nó tán con bé này từ năm thứ nhất, đưa đón bế ẵm không thiếu một việc gì. Tưởng chừng như bỏ trầu là đã xong xuôi rồi vậy mà…. chỉ có mấy tháng đi làm sales cho công ty tin học nó đã thành ra như thế. Thôi thì cũng may phúc cho nhà nó không rước một con đĩ thõa về làm vợ. Đúng là để có những thằng đàn ông đểu thì phải có những con đàn bà dễ dãi – quy luật bảo toàn của xã hội.
Chiều hôm ấy, tôi lang thang trên mạng và vô tình bắt gặp new feed của em. Lâu lắm rồi em mới dùng lại facebook. Một status để lại thật nhiều suy nghĩ và những dằn vặt trong tôi. Dù đã cố bắt mình không được suy nghĩ về điều gì khác ngoài những môn học nhưng tôi cũng không thể vượt ra khỏi cái giới hạn gọi là con người.
Trong bức ảnh vừa được post lên, em chụp bàn tay phải của mình theo hướng nhìn rõ các đường chỉ tay, cùng với đó là một dòng trạng thái nghe thật buồn: “Sao chưa đứt?!!”
Tình còn dang dở thì sao mà đã đứt được hả em? – tôi thầm nghĩ. Nhưng rồi nó sẽ sớm đứt thôi khi bên cạnh em có những người sẵn sàng làm chỗ dựa cho em, để em nương náu những ngày lạnh lẽo. Anh ở đây giờ này vẫn làm bạn với cô đơn và nghĩ về em nhiều lắm. Biết là còn cần nhau nhưng cái điều đơn giản nhất là chia sẻ với em thì anh đã không làm được.
Những ngày cô đơn và chống chếnh ấy, tôi có Trang bên cạnh. Ban đầu đó chỉ là những chia sẻ của những con người đồng cảnh ngộ, nhưng theo thời gian tôi biết em đã dành cho mình những tình cảm khác lạ. Tôi cũng không bất ngờ về điều này vì tôi biết với những người con gái như em thì có một người bên cạnh để em chia sẻ và để em thấy thoải mái quan trọng hơn nhiều những quan tâm thường ngày và những món quà tặng định kì. Tôi không có hơn gì mấy người khác – những người vẫn hàng ngày quan tâm em, tôi chỉ có một câu chuyện thật buồn để chia sẻ cùng em, và em cũng thế.
Trang không nói trực tiếp với tôi mà nói qua chị D, một người khá thân với cả hai. Cuối tuần, chị rủ tôi đi uống cafe và tôi biết nội dung câu chuyện sẽ xoay quanh ai.
Lâu lắm rồi tôi mới lại uống cafe. Ngồi hít hà từng làn khói cafe làm tôi cảm thấy thư thái lạ. Nó làm tôi nhớ về những lời Mai nói ngày xưa “anh ngửi hương cafe là anh sẽ thấy thư thái ngay”. Tôi cũng nhớ cái sticker lè lưỡi mà Phương dán trộm vào hộp cafe ở nhà nữa.
Giờ. Tất cả đều là dĩ vãng.
Mai quyết định sẽ làm mẹ đơn thân sau một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Còn Phương thì vẫn cứ thế, gần lắm, mà tôi thấy như càng ngày càng xa thật rồi.
Chị D bắt đầu trước:
– Nghe nói thích cafe lắm hả? Hôm nay rủ đi uống cafe là hợp ha?
– Vâng. Trang nói hả?
– Uhm.
– Ở nhà toàn cafe vườn thôi chị ạ, sang đây mới thấy Americano với Capuccino nó khác ra sao.
– Em thấy Trang thế nào?
– Em biết chị sẽ hỏi thế mà.
– Chắc Trang cũng kể chuyện của em cho chị nghe?
– Chị có nghe wa.
– Em không muốn làm Trang buồn đâu, nhưng thực sự nếu em đến với Trang bây giờ thì chỉ như người thế chỗ thôi.
– Thì dần dần em sẽ cảm nhận được. Cái gì cũng cần thời gian mà em.
– Cứ để chúng em là bạn của nhau đi. Nếu có duyên thì đến chứ em không thích gượng ép.
– Chị nói vậy thôi. Chắc em cũng hiểu chị với con Trang ha?
– Em hiểu. Cảm ơn chị nhiều.
Từ sau hôm đó Trang không có gì thay đổi thái độ đối với tôi, vẫn nhẹ nhàng ở bên cạnh với những chia sẻ và quan tâm. Những ngày ôn thi cùng với nhau, những buổi tôi phải vừa làm thí nghiệm vừa tranh thủ học, vẫn có Trang đều đặn mang cơm lên cho tôi. Ban đầu tôi từ chối cho bằng được, nhưng sau đó khi nhìn thấy Trang lủi thủi đi về với cặp lồng cơm tôi lại không nỡ làm em buồn lần thứ 2. Thực sự trong thâm tâm tôi không hề muốn gắn bó với bất kì ai ở đây vì nó chỉ là tạm thời trong vài năm. Người ta sau khi tốt nghiệp và quay lại quê hương rồi mỗi người một nơi liệu có đến được với nhau hay không? Nếu có thì họ phải cố gắng và thương yêu nhau thật nhiều. Còn tôi bây giờ thì tình cảm như sỏi đá, chẳng thấy hứng thú với điều gì. Nhiều khi những điều tôi làm đối với Trang nó vô cảm và vô thức mà sau đấy tôi chẳng bao giờ ngồi nghĩ lại xem liệu Trang cảm thấy gì nữa. Vậy mà em vẫn chấp nhận. Còn tôi…. tôi chán ngán chuyện yêu đương lắm rồi. Từ sâu trong tim mình, tôi vẫn tin rằng tôi và Phương còn thuộc về nhau! Chỉ Phương!
Đọc phần 45 tại đây : phần 45